Văn bản nội bộ >> Nội quy lao động 

Nội quy lao động

Thứ 6, 01/03/2013

 NỘI QUY LAO ĐỘNG
CÔNG TY CP THAN MIỀN NAM - VINACOMIN

(Ban hành kèm theo QĐ số: 259   /QĐ- TMN ngày 08 tháng 8 năm 2012)
  
CHƯƠNG I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Đối tượng và phạm vi áp dụng: Tất cả cán bộ, công nhân viên chức, lao động đang làm việc tại công ty cổ phần than Miền Nam Vinacomin (sau đây gọi chung là người lao động).
Điều 2: Đối tượng không áp dụng các hình thức xử lý kỉ luật lao động theo nội quy lao động là Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng công ty, các cán bộ viên chức chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể đang công tác tại văn phòng công ty CP than Miền Nam Vinacomin.
Điều 3: Nội quy lao động được đăng ký tại Sở lao động TBXH Tp Hồ Chí Minh; Nội quy lao động không được trái với luật lao động và pháp luật khác, những quy định tại nội quy lao động là căn cứ để xử lý kỉ luật lao động, trách nhiệm vật chất khi người lao động có hành vi vi phạm những quy định tại nội quy lao động hoặc nhịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng trách nhiệm (nếu có ký kết hợp đồng trách nhiệm về tài sản được giao).
Điều 4: Thời giờ làm việc:
1. Thời giờ làm việc của người lao động: không quá 8 giờ trong một ngày, 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ trong các trường hợp đột xuất để giải quyết:
a. Xử lý sự cố đột xuất xảy ra trong sản xuất kinh doanh;
b. Công tác vận chuyển, bốc rót, tiêu thụ than theo yêu cầu và giải quyết những công việc không thể trì hoãn khác của đơn vị, Công ty.
c. Khắc phục hậu quả do sự cố, tai nạn lao động, thiên tai và hỏa hoạn…
d. Số giờ làm thêm của một người trong một ngày không quá 04 giờ đối với người làm các công việc bình thường; không quá 03 giờ đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tổng số giờ làm thêm trong bốn ngày liên tục không quá 10 giờ, một tuần không quá 12 giờ, trong một năm không quá 200 giờ.
Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường ít nhất bằng 150%.
- Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%.
- Vào ngày Lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
- Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại điều 70 của Bộ luật lao động thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm việc vào ban ngày. Trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì người lao được hưởng thêm 30% của tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc hàng ngày được quy định như sau:
a. CBCNV khối văn phòng công ty:
                 Sáng từ:        7h30’        đến    11h30’
                 Chiều từ:       13h30’      đến    16h30’
b. Đối với các đơn vị (Xí nghiệp, Chi nhánh) trực thuộc thì tùy thuộc vào điều kiện của đơn vị mình mà bố trí người lao động làm việc để đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh nhưng không được trái với nội dung quy định tại khoản 1, điều 4 của Nội quy này. Các đơn vị sản xuất chế biến nếu có tính chất độc hại, nguy hiểm (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành)thì thời giờ làm việc hàng ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 4 được rút ngắn từ một đến hai giờ.
c. Thời gian làm việc của người làm công tác bảo vệ tại cơ quan sẽ được thỏa thuận cụ thể trong Hợp đồng lao động trên cơ sở đảm bảo thời gian làm việc theo Quy định của pháp luật.
Điều 5: Thời giờ nghỉ ngơi:
1. Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày vào ngày chủ nhật.
2. Người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc. Người làm việc ca đêm được nghỉ ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc. Người làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.
3. Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút trong giờ làm việc mà vẫn hưởng đủ lương.
4. Người lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút trong thời giờ làm việc mà vẫn hưởng đủ lương.
Điều 6: Người lao động nghỉ việc hưởng nguyên lương:
Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ sau đây:
- Tết dương lịch: Một ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch).
- Tết âm lịch: Bốn ngày (một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch).
- Ngày giỗ Tổ Hùng vương: Một ngày (ngày 10/3 âm lịch).
- Ngày Chiến thắng: Một ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: Một ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch).
- Ngày Quốc khánh: Một ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch).
- Ngày truyền thống ngành than: Một ngày (ngày 12/11 dương lịch).
Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
Điều 7: Nghỉ phép năm:
1. Người lao động có 12 tháng làm việc tại công ty thì được nghỉ phép hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:
a. 12 ngày làm việc, đối với người làm việc trong điều kiện bình thường có đủ thời gian công tác tại đơn vị hoặc trong ngành than đủ 12 tháng trở lên.
b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi.
c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
d) Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc, cứ năm năm được nghỉ thêm một ngày.
e) Trường hợp người lao động không đủ thời gian làm việc 12 tháng thì số ngày nghỉ phép năm được tính theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc tại công ty.
f) Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động đăng kí nghỉ phép năm thành nhiều lần trong năm nhưng không vượt quá số ngày quy định.
2. Ngoài số ngày nghỉ trên, người lao động còn được nghỉ thêm một số ngày đi đường hưởng nguyên lương và được hổ trợ tiền tàu xe, tùy thuộc nơi người lao động nghỉ theo mức:
- Nghỉ ở khu vực phía Bắc được cộng thêm 05 ngày đi đường.
- Nghỉ ở khi vực miền Trung được cộng thêm 04 ngày đi đường.
- Nghỉ ở khu vực miền Nam được cộng thêm 02 ngày đi đường.
Căn cứ vào nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị, thủ trưởng đơn vị lập kế hoạch phân bổ lịch nghỉ phép hàng năm cho người lao động trong đơn vị mình đảm bảo cân đối, duy trì nhiệm vụ và ưu tiên nguyện vọng chính đáng của cá nhân.
Điều 8: Nghỉ về việc riêng được hưởng lương, nghỉ việc riêng không hưởng lương:
1. Nghỉ việc riêng có hưởng lương:
Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau:
a. Kết hôn: Nghỉ ba ngày;
b. Con, bố, mẹ và anh, chị em kết hôn: Nghỉ một ngày;
c. Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, anh chị emruột chết: Nghỉ ba ngày.
      2. Nghỉ việc riêng không hưởng lương:
- Người lao động đã nghỉ hết số ngày nghỉ phép, lao động nữ đã hết thời gian nghỉ thai sản có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ về việc riêng không hưởng lương, với thời gian không quá 01 tháng trong năm. Nếu người lao động có nguyện vọng nghỉ trong thời gian dài (quá 01 tháng) thì phải tạm hoãn hợp đồng lao động.
Điều 9: Thẩm quyền giải quyết cho người lao động nghỉ việc riêng được giám đốc công ty phân cấp như sau:
-Giám đốc xí nghiệp, chi nhánh giải quyết cho người lao động nghỉ đến 05 ngày/lần nhưng không quá 20 ngày /năm.
-Trưởng phòng giải quyết cho người lao động nghỉ đến 02 ngày/lần nhưng không quá 20 ngày /năm.
-Các trường hợp khác gửi phòng Tổ chức hành chính công ty tập hợp báo cáo giám đốc công ty giải quyết.
Điều 10: Người lao động nghỉ việc vì lý do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, nghỉ chăm sóc con ốm phải có thông tin báo cáo với đơn vị trước khi nghỉ (trừ các trường hợp tai nạn, cấp cứu thì có thể thông tin, báo cáo sau, nhưng chậm nhất cũng không quá 24 giờ kể từ khi bị tai nạn hoặc cấp cứu). Sau khi nghỉ phải có đủ các thủ tục của cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mới được coi là có lý do chính đáng.
 
CHƯƠNG II
TRẬT TỰ TRONG CÔNG TY
Điều 11: Người lao động chỉ được làm những công việc theo sự phân công của người có thẩm quyền. Trong thời gian làm việc người lao động chỉ được đi lại, giao tiếp với những đối tác có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ được phân công và trong phạm vi không gian hợp lý.
Điều 12: Người lao động có nhiệm vụ thực hiện đủ thời gian làm việc, đúng nhiệm vụ được phân công , thực hiện đúng các quy trình, quy phạm kỹ thuật, trình tự công tác nghiệp vụ đã quy định; hoàn thành định mức lao động, nhiệm vụ công tác và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhiệm vụ công tác của người lao động khác.
Điều 13: Trường hợp làm việc theo ca, đã hết giờ làm việc và yêu cầu công việc có quy định phải bàn giao ca, nếu chưa có người đến nhận bàn giao, người lao động phải kịp thời báo cáo với người đã phân công công việc cho mình biết để giải quyết và chỉ được rời vị trí công tác khi có sự đồng ý của người phụ trách.

CHƯƠNG III
AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG Ở NƠI LÀM VIỆC
Điều 14: Người lao động phải thực hiện đúng, đủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; các quy trình quy phạm về kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động ; các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động; sử dụng đúng, đủ các trang thiết bị phòng hộ an toàn lao động.
Điều 15: Người lao động không được uống rượu, bia và sử dụng các chất gây nghiện, các chất kích thích trong khi làm việc (trừ trường hợp do thực hiện công việc: Liên hoan, hội họp và tiếp khách bằng rượu, bia).
Người sử dụng lao động không được bố trí công việc, phân công công tác cho những người đang trong tình trạng say rượu, bia hoặc thần kinh bị kích thích do sử dụng các chất gây nghiện, chất kích thích; không bố trí người lao động làm các công việc có cấp độ nguy hiểm cao vào ngày làm việc đầu tiên sau khi nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ lo tang lễ của người thân trong gia đình.
Điều 16: Người lao động có nghĩa vụ phản ảnh, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hành vi, vi phạm về công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Mọi sự làm ngơ, thiếu trách nhiệm trong việc tham gia ngăn chặn những nguy cơ dẫn đến xảy ra tai nạn lao động đều bị coi là hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Điều 17: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận nào của cơ thể người lao động, hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Người bị tai nạn lao động sẽ được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động sẽ chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật
Điều 18:
1.Người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.
2.Người lao động sẽ được người sử dụng lao động trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu người lao động chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động sẽ trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
3. Người lao động sẽ được người sử dụng lao động chi trả ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Điều 19:
1. Trong thời gian người lao động nghỉ việc để chữa trị vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động trả đủ lương và chi phí cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nội quy lao động này.
 Sau khi điều trị, tuỳ theo mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động được giám định và xếp hạng thương tật để hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội trả.
2. Trong thời gian làm việc, nếu người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì thân nhân được nhận chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật lao động và được quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp thêm một lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
 
CHƯƠNG IV
BẢO VỆ TÀI SẢN, BÍ MẬT CÔNG NGHỆ KINH DOANH CỦA CÔNG TY
Điều 20: Người lao động có nghĩa vụ bảo vệ toàn vẹn giá trị các loại tài sản bằng tiền, tài sản bằng hiện vật, các tài liệu và bí mật công nghệ kinh doanh của công ty; mọi xâm hại về tài sản, tài liệu, số liệu kinh doanh đều thuộc phạm vi trách nhiệm của người được giao quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản, trông giữ. Người lao động không được tự ý chuyển giao trách nhiệm của mình cho người khác.
Điều 21: Người lao động có quyền và nghĩa vụ phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, tố cáo các hành vi, vi phạm về tài sản của đơn vị (tài sản bằng tiền, bằng hiện vật, bằng giá trị thương hiệu, giá trị bản quyền sở hữu công nghiệp, bằng bí quyết công nghệ kinh doanh và các giá trị phi vật chất khác có mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị).
 
CHƯƠNG V
CÁC HÀNH VI VI PHẠM KỈ LUẬT LAO ĐỘNG, HÌNH THỨC XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT
Điều 22: Các hình thức kỷ luật lao động:
1. Khiển trách.
2.Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức.
3. Sa thải.
Điều 23: Nguyên tắc xử lý vi phạm kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
1. Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật lao động, chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật; khi một người có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động đồng thời thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
2. Hành vi gây thiệt hại tài sản do lỗi sơ xuất, giá trị gây thiệt hại đến 15 triệu đồng thì chỉ phải bồi thường nhiều nhất 3 tháng lương cơ bản theo bậc lương, hệ số lương hiện giữ.
3. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người vi phạm kỷ luật lao động trong các trường hợp sau:
a. Do phải làm việc trong điều kiện không được đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn, bảo hộ lao động dẫn đến sự vi phạm kỷ luật lao động.
b. Vi phạm kỷ luật lao động trong thời gian phải làm thêm giờ quá mức giới hạn được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 4 nội quy lao động.
c. Vi phạm kỷ luật lao động trong trường hợp bất khả kháng.
d. Thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động đã hết theo quy định tại điều 86 Bộ luật lao động.
e. Người đang trong thời gian nghỉ ốm, điều dưỡng, nghỉ phép, nghỉ việc riêng; lao động nữ nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; người đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chờ kết quả điều tra, xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 24: Giảm và xóa kỷ luật:
1. Người bị khiển trách sau 3 tháng, người bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác sau sáu tháng kể từ ngày bị xử lý kỷ luật nếu không tái phạm thì đương nhiên được xóa kỷ luật.
2. Người bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác, sau khi chấp hành được một nửa thời hạn, nếu sửa chữa tiến bộ thì được người sử dụng lao động thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn xét giảm thời hạn và xóa kỷ luật.
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 06 tháng, khi hết thời hạn làm công việc khác thì được bố trí trở lại làm công việc cũ theo hợp đồng đã giao kết. Trường hợp không còn công việc cũ hoặc không thể bố trí công việc cũ thì hai bên thỏa thuận để giải quyết.
Điều 25: Hình thức kỷ luật – hành vi vi phạm.
1. Hình thức khiển trách: Áp dụng đối với người phạm lỗi lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ, chưa gây thiệt hại về vật chất và được áp dụng đối với những hành vi vi phạm cụ thể sau:
- Đi muộn, về sớm.
- Nghỉ việc không thông tin, báo cáo theo quy định tại điều 09 nội quy lao động.
- Tự rời bỏ nơi làm việc khi không có lý do chính đáng.
- Xô xát, cãi nhau gây mất trật tự nơi làm việc.
- Không chấp hành đúng mệnh lệnh sản xuất, sự phân công phù hợp với Quy định của pháp luật lao động của người quản lý.
- Không thực hiện đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật, trình tự công tác nghiệp vụ.
- Tự ý rời bỏ nơi làm việc, nhiệm vụ công tác khi chưa có người nhận bàn giao (đối với công việc có quy định bàn giao).
- Không sử dụng đúng, đủ các trang bị phòng hộ lao động cá nhân.
- Uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có hiện tượng say rượu bia trong khi làm việc.
- Không tố giác, ngăn chặn hoặc bao che cho các hành vi vi phạm về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, tham ô, trộm cắp tài sản.
- Cán bộ bố trí sử dụng lao động vi phạm quy định tại điều 15 nội quy lao động.
2. Hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa không quá 06 tháng hoặc cách chức (căn cứ vào mức độ vi phạm, yếu tố lỗi, tính chất ảnh hưởng của hành vi vi phạm và hoàn cảnh gia đình để lựa chọn áp dụng một trong những hình thức quy định tại khoản này) và được áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau:
a. Người đã bị khiển trách mà tái phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị khiển trách (Tái phạm: Phạm cùng lỗi mà trước đó đã vi phạm).
b. Để thất thoát tài sản, tài liệu hoặc tự ý cung cấp số liệu, tiết lộ bí mật công nghiệ kinh doanh.
c. Người được giao nhiệm vụ canh gác trông giữ tài sản nhưng bỏ vị trí canh gác, ngủ trong giờ làm việc dẫn đến mất cắp tài sản, để xảy ra cháy nổ.
d. Người làm công tác nghiệp vụ không tích cực đôn đốc thu hồi công nợ, gây thiệt hại kinh tế của công ty dưới 15 (mười năm) triệu đồng, hoặc lợi dụng vị trí công tác để trục lợi.
e. Tự ý nghỉ việc không lý do:
- Ba ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 15 ngày cộng dồn trong một năm, đối với người lao động trực tiếp sản xuất.
- Hai ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 10 ngày cộng dồn trong một năm, đối với người làm việc ở phòng ban và cán bộ chỉ huy, điều hành sản xuất ở các phân xưởng.
3. Hình thức sa thải: được áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau.
a. Trộm cắp, tham ô tài sản lần đầu có giá trị từ 05 (năm) triệu đồng trở lên.
b. Trộm cắp, tham ô tài sản lần thứ hai trong năm (không phụ thuộc vào giá trị tài sản bị tham ô, trộm cắp).
c. Trộm cắp tài sản là phụ tùng, chi tiết máy đang sử dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, gây ách tắc sản xuất (không phụ thuộc vào tài sản lớn hay nhỏ).
d. Người bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc chuyển làm công việc khác mà vẫn tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật, hoặc đã bị kỷ luật cách chức mà vẫn tái phạm.
e. Bất kỳ hành vi vi phạm nào gây thiệt hại cho công ty từ mức 15 (mười năm) triệu đồng trở lên.
f. Tự ý nghỉ việc không có lý do:
- Năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc hoặc 25 ngày cộng dồn trong năm đối với người làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
- Năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm đối với người làm công việc khác.
Điều 26: Trách nhiệm vật chất:
Người làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, nhà xưởng, xe máy, vật tư hàng hóa, làm thất thoát hoặc gây thiệt hại về kinh tế và các tài sản khác của công ty thì phải bồi thường. Việc xem xét quyết định bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi vi phạm do khách quan, chủ ý, vô ý, thực trạng hoàn cảnh kinh tế của gia đình và mức độ thiệt hại thực tế để quyết định mức độ bồi thường. Trong trường hợp có hợp đồng trách nhiệm về tài sản được giao thì phải bồi thường theo hợp đồng đã ký; gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì không phải bồi thường.
Thời hiệu, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý trách nhiệm vật chất, bồi thường thiệt hại, được thực hiện như đối với việc xem xét kỷ luật lao động.
 
CHƯƠNG VI
THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ KỈ LUẬT LAO ĐỘNGVÀ TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG VIỆC
Điều 27: Trình tự xử lý kỷ luật lao động:
1. Thu thập thông tin trước khi xử lý.
- Người có hành vi phạm nội quy lao động (trừ trường hợp người vi phạm tự ý bỏ việc) trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc xảy ra hoặc phát hiện hành vi vi phạm, phải viết bản tường trình sự việc và nộp bản tường trình cho người sử dụng lao động trong thời hạn 5 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Trường hợp khách quan người lao động không thể viết được bản tường trình thì có thể yêu cầu người làm chứng tường trình hoặc biên bản ghi lời tường trình của người vi phạm, người làm chứng. Chậm nhất không quá 24 giờ kể từ lúc xảy ra hoặc phát hiện hành vi vi phạm, người sử dụng lao động phải tổ chức lập biên bản sự việc xảy ra.
- Hồ sơ, tài liệu và những căn cứ pháp lý để chứng minh giá trị thiệt hại cho hành vi vi phạm kỷ luật lao động gây ra.
- Biên bản họp xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của phòng ban, phân xưởng có người vi phạm.
2. Tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
a. Nhân sự phiên họp gồm có:
- Giám đốc Công ty (hoặc phó Giám đốc Công ty được ủy quyền bằng văn bản trong trường hợp giám đốc đi vắng) là người chủ trì.
- Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Công ty CP than Miền Nam.
- Đương sự (trừ trường hợp đã 3 lần thông báo bằng văn bản mà đương sự vẫn vắng mặt hoặc đương sự đang thi hành án tù giam).
- Người làm chứng, người đại diện lãnh đạo phòng ban, tổ công tác, Xí nghiệp, Chi nhánh nơi quản lý trựcc tiếp đương sự.
- Người bào chữa cho đương sự (do đương sự mời).
- Những người khác có liên quan được giám đốc Công ty mời để tham vấn.
*Phiên họp phải được lập thành biên bản.
Điều 28: Tạm đình chỉ công việc đối với người vi phạm kỷ luật lao động.
1. Thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công việc đối với người vi phạm kỷ luật lao động là Giám đốc Công ty hoặc phó Giám đốc Công ty được Giám đốc ủy quyền bằng văn bản khi Giám đốc đi vắng.
2. Người lao động chỉ bị đình chỉ công việc khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc đối với người lao động chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất của Ban chấp hành Công đoàn Công ty.
3. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không quá ba tháng. Trong thời gian tạm bị đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương cơ bản theo bậc lương hiện giữ trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn bị đình chỉ công việc, người lao động được tiếp tục làm việc.
4. Nếu người lao động không có lỗi (không bị xử lý kỷ luật lao động) thì được hưởng 100% mức lương cơ bản theo bậc lương hiện giữ của bản thân.
5. Nếu người lao động có lỗi mà bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền đã tạm ứng trước đó.
 
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29: Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Sở lao động Thương binh xã hội Tp Hồ Chí Minh nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
Nội quy lao động được thông báo đến từng người lao động, những điểm chính được niêm yết tại các phòng ban, đơn vị thuộc Công ty để mọi người trong Công ty thực hiện.
Điều 30: Người lao động chỉ bị xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm bồi thường vật chất theo những quy định tại nội quy lao động và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng trách nhiệm về tài sản được giao (nếu có).
Những hành vi vi phạm kỷ luật lao động không được quy định cụ thể trong nội quy lao động này thì được áp dụng thực hiện theo quy định của pháp luật lao động hiện hành.
 
                                                                                     GIÁM ĐỐC
       ( Đã ký)
                                                                                  
      Vĩnh Như

Background